コンテンツへスキップ

KIẾN TRÚC SÂN VƯỜN | THIẾT KẾ & NGHỆ THUẬT

Kiến trúc được ví von như là một “món ăn đẹp mắt” cho những người say đắm “Nghệ thuật”. “Kiến trúc sân vườn” cũng không ngoại lệ. Có thể nói Nhật Bản chính là cái nôi sinh ra những “Kiến trúc sân vườn” mang hơi thở của sự đơn giản, gần gũi và miêu tả thiên nhiên gói gọn trong sân vườn một cách chân thực nhất.

Vậy thì “Kiến trúc sân vườn” mang phong cách Nhật Bản có bao nhiêu lối thiết kế? Cách người Nhật họ thưởng thức “món ăn thiên nhiên” này ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.

NGỒI VÀ THƯỞNG THỨC

Hình thức thưởng thức Kiến trúc sân vườn này có tên gọi là “Zakanshiki teien – 座鑑式庭園. Có thể hiểu đơn giản là người thưởng thức sẽ ngồi tại khu vực quan sát và bắt đầu tận hưởng “bữa ăn” mà khu vườn chiêu đãi trước mắt mình.

Đối với người Nhật, khi ngồi và ngắm nhìn như thế thì người chiêm ngưỡng có thể cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau. Không chỉ cảm nhận được chiều sâu, mà có thể cảm nhận được cả những phong cảnh bên ngoài sân vườn thông qua cách tận dụng “lấy cảnh làm nền” của họ. Kéo theo đó là chiều ngang của sân vườn cũng mang đến cho thị giác cảm giác rộng hơn và mặt nghiêng như thể được sử dụng không gian 3 chiều.

Một số gợi ý thiết kế Kiến trúc sân vườn phù hợp với hình thức trên.

🍃VƯỜN CẢNH TRUYỀN THỐNG | KARESANSUI – 枯山水🍃

“Karesansui” là vườn cạn kiểu Nhật, hay còn được gọi là vườn “Zen”. Tức là vườn không sử dụng nước, mà thay vào đó là sử dụng cát và đá. Chúng tượng trưng cho biển, sông, dòng chảy của nước, thác hay là đảo. Và trồng thêm thực vật xung quanh. Đây là phong cách đặc trưng của vườn Nhật Bản. Và phong cách vườn “Zen” cũng rất phổ biến ở Việt Nam.

🍃THƯỞNG THỨC VƯỜN AO | CHISEN KANSYO TEIEN – 池泉鑑賞庭園🍃

“Chisen kansyo teien” là kiểu có ao trong vườn. Ta có thể ngồi, thưởng thức vẻ đẹp ấy từ thư phòng – Shoin hay phòng Tatami – Zashiki. Đây là kiểu thiết kế mang tính đánh đố, đòi hỏi các nhà kiến trúc sư phải tính toán hay suy nghĩ cách đặt ao cũng như các khối đá như thế nào để “các ánh nhìn nghệ thuật” có thể thưởng thức sân vườn chỉ từ một hướng nhất định.

ĐI VÀ THƯỞNG THỨC

Đây là hình thức kiểu sân vườn mà bạn có thể cảm nhận toàn bộ nhiều cảnh sắc nổi tiếng hay thế giới của những ý tưởng thông qua việc rảo bước trên những lối đi được thiết kế dọc theo vườn. Tuỳ thuộc nơi bạn đi và phương hướng bạn nhìn, bạn sẽ khám phá ra những bối cảnh và các hiệu ứng không gian khác nhau thông qua việc các Kiến trúc sư tận dụng ao, cầu, cổng, thay đổi địa hình, hòn non bộ hay cây trồng,…

Một số gợi ý thiết kế Kiến trúc sân vườn phù hợp với hình thức trên.

🍃VƯỜN CÓ LỐI ĐI QUANH AO | CHISEN KAIYUUSHIKI TEIEN – 池泉回遊式庭園🍃

“Daimyo” là các “Lãnh chúa” trong thời phong kiến Nhật, “Vườn Daimyo” được hiểu theo nghĩa là một khu vườn sang trọng và được xây dựng, thiết kế lộng lẫy trong các biệt phủ của các Lãnh chúa. Và “Vườn Daimyo” cũng là nơi có thể nhìn thấy phong cách “Chisen kaiyuushiki teien” nhiều nhất.

Chúng ta sẽ thưởng thức phong cách này bằng cách: vừa dạo quanh lối đi dọc theo hồ và vừa ngắm nhìn những cảnh sắc nổi tiếng hay phòng trà.

🍃VƯỜN NGOÀI TRỜI (VƯỜN TRÀ) | ROJI TEIEN – 露地庭園 (茶庭)🍃

 “Roji teien” ám chỉ khu vườn được tích hợp với phòng trà. Nghĩa là trước khi đến được phòng Trà bạn sẽ rạo bước đi qua một khu vườn.

Bạn có thể thấy nền được lát đá bậc thang ở lối đi trong vườn hay cổng, phòng chờ, nhà vệ sinh cũng được bố trí hợp lý, đẹp mắt.

 

 

 

 

 

 

 

🍃VƯỜN TỊNH ĐỘ | JYOUDO TEIEN – 浄土庭園🍃

“Jyodo teien” phong cách vườn thể hiện “Tịnh Độ Cực Lạc”. Mặc dù nói Nhật Bản là đất nước không tôn giáo nhưng người Nhật họ rất tin tưởng và tôn thờ những tín ngưỡng mà họ theo. Có lẽ chính bởi thế mà các kiến trúc sư đã thổi hồn “văn bản tôn giáo” vào trong lối thiết kế kiến trúc sân vườn này.

Ao trong vườn tượng trưng cho ranh giới, nó chia cắt giữa bờ bên này và bờ bên. Chiếc cầu ở giữa chính là nguồn kết nối chính của “hai bên thế giới”. Ngụ ý như thể, mặc dù thế giới có bị chia cắt nhưng chúng không riêng biệt.

KẾT LUẬN

Kiến trúc sân vườn mang đến trải nghiệm độc đáo và quyến rũ, thu hút cả năm giác quan và tạo ra thiên đường cho các giác quan. Những không gian kỳ diệu này mang lại lợi ích trị liệu, cơ hội giáo dục và kết nối chặt chẽ hơn với thiên nhiên. Bằng cách lựa chọn cây trồng cẩn thận, thiết kế có chủ đích và cân nhắc đến nhu cầu của cộng đồng, có thể tạo ra một khu vườn cảm giác vừa hấp dẫn về mặt thị giác vừa thu hút tất cả du khách. Tuy cùng một phong cảnh nhưng qua cách nhìn, cảm nhận của mỗi cá nhân, mà vẻ đẹp cũng theo đó mà thay đổi. Đó cũng chính là sự thú vị trong thiết kế Kiến trúc.